GIỚI THIỆU

Trung Hoa là một trong những cái nôi võ học của châu Á. Trong biết bao hệ phái võ học với những tuyệt kỹ khác nhau, Tung Sơn Thiếu Lâm Tự vẫn hiện lên như một cái tên đáng chú ý nhất của nền võ học Trung Hoa. Dịp này Đài truyền hình Hà Nội đang chiếu bộ phim Nam Thiếu Lâm, Quốc Tế giới thiệu với bạn đọc đôi nét về sự ra đời của phái võ này.


Tung Sơn Thiếu Lâm Tự

Một trong Ngũ Đại Danh Sơn (Hoa Sơn, Thái Sơn, Hằng Sơn, Hành Sơn, Tung Sơn) của đất nước Trung Hoa rộng lớn chính là dãy Tung Sơn hùng vĩ. Nơi đây có một ngôi chùa ẩn mình trong rừng tùng, từ lâu đã nổi danh trong giới võ lâm Trung Quốc như một “Thái Sơn Bắc Đẩu” võ học, nơi sản sinh ra biết bao cao thủ danh trấn Trung thổ, đó chính là Thiếu Lâm Tự.

Thiếu Lâm Tự được xây dựng năm 495 dưới triều vua Hiếu Văn Đế thời Bắc Nguỵ. Đây là ngôi chùa xây cất để dành làm nơi trụ trì của nhà sư Di Lặc, vị thiền tăng đầu tiên từ Ấn Độ đặt chân đến đất Trung Hoa truyền bá Phật giáo. Bước ngoặt đem lại uy danh võ học cho Thiếu Lâm Tự xảy đến vào năm 520, khi Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma dừng chân tại Thiếu Lâm Tự. Tại đây, Đạt Ma thấy sư sãi trong chùa bị khí núi hơi sương làm yếu ớt, Đạt Ma đã truyền dạy cách vận khí công và một số bài nội công, ngoại công sư tăng trong chùa. Võ công Thiếu Lâm Tự hình thành và phát triển từ đấy.

Võ công Thiếu Lâm Tự cũng liên quan đến nhiều sự kiện lịch sử của đất nước Trung Hoa. Đời vua Đường Thái Tông, khi nhà vua bị bọn phản loạn Vương Thế Sung đảo chính vây khốn, 13 võ tăng Thiếu Lâm Tự đã liều mình cứu giá, tiêu diệt địch nhân. Sau đó Thiếu Lâm Tự nhận được sự ưu ái đặc biệt của chính quyền phong kiến đời Đường. Cũng trong thời kỳ này, bài quyền nguyên thuỷ “Thập Bát La Hán Quyền” gồm mười tám thế đã được phát triển thành 32 đường trường quyền để rồi sau được Giác Viễn Thượng Nhân đã tổng hợp nó thành “Thiếu Lâm Thất Thập Nhị Huyền Công” gồm 72 thế lưu truyền đến tận ngày hôm nay. Đến đời nhà Minh, võ học Thiếu Lâm Tự chia làm hai nhánh “Bắc cước” với tuyệt chiêu “bát quái kì môn địa tấn” và “Nam Quyền” với “thập bát tầm nã thủ” ảo diệu. Đến đời nhà Thanh, võ công Nam Thiếu Lâm (nhánh Nam Quyền) được truyền dạy cho cả những đệ tử tục gia (những người không đi tu nhưng vẫn học võ công Thiếu Lâm) nhằm mở rộng và phát triển võ học. Do ảnh hưởng của Thiếu Lâm Tự quá lớn, triều đình Mãn Thanh lo sợ nên đã ra lệnh đốt chùa (năm 1736). Sau đó một số cao thủ của Thiếu Lâm đã tách ra thành lập những hệ phái khác như Vịnh Xuân, Thiếu Lâm Hồng Gia, một số truyền sang đến Việt Nam và được cải biến thành Vovinam.

Nơi ngoạ hổ tàng long

Đến này nay người ta vẫn không hiểu việc những nhà sư Thiếu Lâm Tự làm cách nào mà có sức mạnh khai sơn phá thạch đến vậy. Họ là những con người bằng xương bằng thịt, nhưng những tuyệt kỹ của Thiếu Lâm khiến cho tất cả những ai chiêm ngưỡng đều thán phục. Một số chiêu thức của Thiếu Lâm tương truyền là do Bồ Đề Đạt Ma truyền lại. Ví dụ như khinh công. Truyện kể rằng mới sang Trung Quốc, vua nước Lương là Lương Võ Đế có mời Đạt Ma đến đàm đạo, nhưng cuộc nói chuyện không tương hợp, Đạt Ma có vứt một cọng cỏ ném lên sông Trường Giang rồi đạp cỏ bay sang bên kia sông. Ngày nay vẫn còn ở Thiếu Lâm Tự bức tượng “cước đạp lô điệp quá giang” miêu tả tích này.

Việc luyện công rất gian khổ. Sáng sáng, sư tăng cởi trần chạy từ đỉnh núi xuống chân núi rồi chạy về chùa làm những công việc nhỏ nhặt nhất như quét chùa, thổi cơm để rèn tính nhẫn nại. Với tinh thần không lấy sát thương làm đầu, vũ khí của các nhà sư Thiếu Lâm là cây côn. Tương truyền tổ sư Bồ Đề Đạt Ma khi nhìn thấy những người dân chài ở sông Hoàng Hà dùng mái chèo nhẹ nhàng nhảy từ thuyền này sang thuyền khác đã thấy được sự lợi hại từ cây gậy đó nên đã viết sách võ học dựa trên cây côn là vũ khí. Võ học Thiếu Lâm còn hơn hẳn võ học Phương Tây ở chữ Đạo, ở triết lý Động và Tĩnh trong luyện võ.

Tung Sơn Thiếu Lâm Tự ngày nay đã trở thành một điểm du lịch văn hoá đầy cuốn hút của tỉnh Hồ Nam. Sau Cách mạng Văn hoá, nhà nước Trung Quốc đã coi võ công Thiếu Lâm là di sản văn hoá dân tộc. Đến nay võ học Thiếu Lâm Tự, nơi “ngoạ hổ tàng long” của võ học thế giới đã mang vóc dáng của một di sản phi vật thể tầm cỡ thế giới.

Đức Nghĩa (Theo chinatourism.com)

Bình luận về bài viết này